Hàng triệu năm đã trải qua, con giun vẫn cần mẫn làm nhiệm vụ chính của nó là cải thiện đất đai, giúp đất tơi xốp, phì nhiêu và màu mỡ. Nếu không có chúng, chắc hẳn đất đai sẽ trở nên sỏi đá, khô cằn, thật khó để tưởng tượng ra. Hôm nay, chúng ta hãy cùng đi khám phá những điều thú vị, đặc biệt liên quan đến loài giun đất này.
Thông tin tổng quan về con giun đất
Con giun còn được gọi với nhiều cái tên phổ biến khác như địa long, trùn đất, giun khoang, thổ long, thổ thiện, trùn hổ,…Chúng có tên khoa học Lumbricus thuộc họ Megascolecidae.
Đặc điểm
Con giun đất là động vật ruột khoang, sống ở trong lòng đất, đặc biệt là những vùng đất xốp, ẩm ướt và mát mẻ. Mỗi con trung bình dài 10 – 34cm, với bề rộng 5 – 15mm. Toàn thân chúng có màu nâu hồng hoặc màu nâu đen và được chia làm nhiều đốt, có khả năng co giãn giúp chúng dễ dàng chui rúc trong đất. Hai bên thân và mặt bụng của giun có 4 đốt lông ngắn, cứng.
Giun đất được xếp vào loài lưỡng tính, tuyến sinh dục của chúng tập trung ở một số đốt trên thân. Tuy nhiên, con giun đất không thể tự thụ tinh được mà cần thực hiện thụ tinh chéo. Bề mặt da của chúng mềm và ẩm ướt, có chức năng hô hấp. Giun rất sợ ánh sáng nên hiếm khi bạn thấy chúng chui ra khỏi mặt đất, chỉ khi trời mưa lớn. đất bùn trũng xuống, mất đi độ tơi xốp chúng mới bò lên để hô hấp.
Nơi sống
Những con giun đất thường sống ở các khu vực đất ẩm ướt ở ruộng đồng, nương rẫy hay đất hoang sơ,… nơi có chứa nhiều mùn hữu cơ. Thức ăn của chúng là mùn hữu cơ bao gồm chất thực vật, luân trùng, động vật nguyên sinh sống, vi khuẩn, tuyến trùng, nấm cùng các vi sinh vật khác.
Hệ tiêu hóa của con giun đất nằm dọc theo chiều dài của cơ thể. Chúng có vai trò vô cùng quan trọng đối với ngành nông nghiệp bởi nhờ có chúng mà đất được tơi xốp, màu mỡ giàu dưỡng chất. Bên cạnh đó, giun đất còn là thức ăn của các loại gia súc và gia cầm.
Thu hoạch
Dựa vào đặc điểm và nơi sống của chúng mà bạn chọn những vùng đất xốp, ẩm ướt và mềm. Lấy nước của quả bồ kết hay nước chè tưới lên trên bề mặt đất thì con giun sẽ chui lên. Chúng được bắt và bỏ vào các thùng có chứa sẵn lá tre, tro hoặc rơm.
Rửa sạch chúng bằng nước ấm để làm sạch chất nhớt, ép đuôi vào gỗ rồi mổ dọc thân giun. Rửa sạch đất chứa trong bụng giun, đem phơi, sấy khô cất đi để dùng dần. Những con giun tự nhiên trên mặt đất thường là những con yếu hoặc mắc bệnh. Toàn thân giun đất được sử dụng để làm thuốc chữa bệnh.
Phân loại giun đất
Hiện nay, trên thế giới thống kê có khoảng 4.400 loài trùn đất khác nhau. Dựa vào kích thước và tập tính của từng loài mà chúng được chia làm 3 nhóm chính là: EPIGEIC, ENDOGEIC và ANECEIC.
EPEIGEIC (trùn ăn phân, trùn đỏ)
Nhóm này sẽ gồm các loài như Eudrilus eugenie (nigerian), Eisenia foetida, Perionyx excavatus (hay còn được gọi là trùn quế)…. Những con giun này thường ăn trên bề mặt đất với các loại chất hữu cơ, xác cùng chất thải của động vật. Loài này chỉ giúp phân huỷ chất hữu cơ, không có vai trò trong việc cải tạo đất.
Do khả năng ăn tạp nên nhóm trùn này thường có hàm lượng đạm rất cao, và do chúng thường sống trên bề mặt đất nên dễ bắt gặp kẻ thù, do vậy mà trong cơ thể của chúng có chứa hàm lượng enzyme rất cao. Chúng được dùng làm thức ăn cho các loài gia súc, gia cầm, thủy – hải sản…
Ngoài ra, ở một số nước như Canada, Úc, Mỹ, Nhật…người ta còn sử dụng những con giun thuộc nhóm này để xử lý các chất thải nông nghiệp, công nghiệp hạn chế gây ô nhiễm môi trường.
ANECEIC (trùn đào đất, trùn mồi câu)
Nhóm này sẽ bao gồm các loài như Polypheretima elongata, Lumbricus, Lampito maruti…. Chúng sống thành các hàng thẳng đứng dưới lòng đất, có khi đào hang sâu tận 3m. Những con giun này ăn cả các chất hữu cơ và khoáng chất có trong đất, rồi thải phân ra khắp hang.
Vào ban đêm, loài giun này sẽ bò lên mặt đất để ăn và bắt cặp giao phối. Quai hàm của chúng rất lớn và có khả năng nghiền nát tất cả các chất thải hữu cơ. Vì thế, những con giun trong nhóm này rất tốt cho việc cải tạo đất, và còn được sử dụng làm mồi để câu cá.
Endogenic (trùn ăn khoáng)
Nhóm này thì bao gồm các loài như Eutopeius, Pentoscolex, Drawida… Những con giun trong nhóm endogenic có tập tính ăn các khoáng chất trong đất nhiều hơn là các chất hữu cơ và có đặc tính di chuyển hàng ngang nên không có tác dụng trong việc phân hủy chất hữu cơ và thường di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Nhóm này có khả năng xử lý đất không tốt bằng Aneceic.
Việt Nam có các giống giun đất nào?
Ở Việt Nam hiện nay có khoảng trên 170 loài giun đất. Chúng phân bố rộng rãi và có nhiều đặc tính khác nhau. Một số con giun sống trong nước, còn đa số chúng sống ở trong lòng đất, những nơi đất ẩm ướt hoặc những nơi có thảm thực vật dày.
Bên cạnh đó, có những loài có kích thước rất nhỏ chỉ nặng khoảng 10mg trong khi đó ở Australia có loài trùn đất khổng lồ dài 1,4m và nặng gần nửa cân. Tuy nhiên, điều mà bà con nông dân quan tâm nhất là nên nuôi những con giun thuộc giống loài nào.
Những lợi ích dược lý của giun đất
Nhiều người chỉ biết tới việc giun có khả năng cải tạo đất mà không biết được rằng những con giun này cũng là một dược liệu dùng để chữa bệnh rất hiệu quả:
Theo Đông Y
- Công dụng: Con giun đất giúp trừ phong thấp, phá huyết kết, khứ nhiệt, hành thủy, hành thấp bệnh, thông đại tiện, trấn kinh, đại giải nhiệt độc, đờm kết, khử trùng tích.
- Chủ trị: Viêm đường tiết niệu, sốt cao kinh giật, động kinh, bồn chồn kinh sợ, ho suyễn, hen phế quản, sốt rét, tiểu tiện không thông, di chứng bại liệt nửa người và phong thấp gây đau nhức.
Theo y học hiện đại
- Hoạt chất Lumbritin có chứa trong con giun sẽ giúp phá huyết.
- Chống co giật, kháng histamin, làm giãn mạch nội tạng, hạ áp chậm nhưng lâu dài.
- Giúp giãn phế quản, hạ cơn hen cấp, hạ thân nhiệt, an thần.
- Trong con giun đất có chứa chiết xuất diệt tinh trùng, tăng hưng phấn thành tử cung.
Giun đất có những lợi ích gì đối với đất trồng trọt?
Mật độ con giun có trong đất là một dấu hiệu để đánh giá độ màu mỡ của đất. Nếu đất phì nhiêu, bạn có thể tìm thấy từ 300 – 500 con/m2, chính vì vậy nó là một yếu tố để xác định đo lường chất lượng đất.
Mật độ giun lớn còn thể hiện được nhiều đời sống phân hủy khác diễn ra trong đất như vi khuẩn, loài đuôi bật và nấm. Vì thế, con giun được dùng là một chỉ số sinh học, giúp bạn có thể hình dung được trong đất có bao nhiêu hoạt động sinh học đang diễn ra
Cải thiện dinh dưỡng của đất
Thức ăn của Con giun đất là các mảnh vụn cây mục nát có trong đất như rễ chết, lá, thân và cỏ cây, đất. Hệ thống tiêu hóa của chúng tập trung các khoáng chất và thành phần hữu cơ trong thức ăn, vì vậy chất thải của chúng giúp làm giàu chất dinh dưỡng cho đất nhanh chóng.
Trong phân giun có chứa nhiều Nitơ gấp 5 lần, nhiều Photpho gấp 7 lần, nhiều Kali gấp 11 lần và nhiều Magie gấp 3 lần so với trong đất thường. Chính vì thế, con giun đóng vai trò quan trọng trong việc làm tơi xốp, tăng độ phì nhiêu, màu mỡ cho đất. Nguồn Nitơ có trong thịt của giun đất khi chúng đã chết được phân hủy nhanh chóng, làm tăng hàm lượng nitơ có trong đất.
Con giun đất cũng thường để lại phân giàu dinh dưỡng trong các hang tố của chúng, cung cấp môi trường thuận lợi giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt. Do đó, các rãnh đất sẽ giúp cho rễ cây xuyên sâu hơn vào trong lòng đất, hấp thụ được nhiều dưỡng chất và độ ẩm hơn. Đồng thời, giun đất còn giúp cân bằng độ pH cho đất.
Đất tơi xốp
Việc giun di chuyển và đào hang sẽ tạo ra các khoảng trống, giúp cải thiện khả năng thoát nước tự nhiên cho đất. Đất tuy không được cày xới nhưng có lượng giun sinh sống với mật độ cao sẽ có khả năng thoát nước tốt và đảm bảo. Bên cạnh đó, những con giun còn là kỹ sư xây dựng trong việc hình thành và tạo ra các đường lưu dẫn để các chất dinh dưỡng được phân tán đều trong đất.
Đồng thời, việc di chuyển thường xuyên của con giun sẽ tạo ra những khe hở làm đất được tơi xốp, giàu dưỡng khí, nước được thoát nhanh, không bị đọng ứ. Do đó, rễ cây hô hấp được dễ dàng, phát triển và sinh trưởng tốt, đạt năng suất cao.
Cải thiện cấu trúc đất
Một lợi ích khác của con giun đối với đất trồng là cải thiện cấu trúc đất. Phân và xác của chúng trong đất kết hợp với các hạt đất giúp tái tạo keo đất, lưu giữ độ ẩm, ổn định lượng nước và tái tạo lớp đất bề mặt. Phân của chúng giúp xây dựng lại cấu trúc bề mặt. Trong điều kiện phát triển thuận lợi giun có thể để lại 50 tấn phân/ ha/mỗi năm đủ để tạo thành lớp đất sâu khoảng 5mm.
Cải thiện năng suất
Những con giun đất chăm chỉ đào xới giúp đất thêm tơi xốp, giàu dinh dưỡng, thoáng khí tạo điều kiện cho cây cối phát triển, đem lại năng suất cao. Ngoài ra, chúng cũng giúp cho các loài vi sinh trong lòng đất phát triển mạnh mẽ, khiến cho các hoạt động sinh học diễn ra trong lòng đất cao, giảm tác động xấu do các loài sâu bệnh gây ra.
Tiêu diệt vi sinh gây bệnh
Con giun đất còn giúp tiêu diệt các loài vi sinh gây bệnh có trong đất rất hiệu quả. Khi chúng ăn sẽ tiêu hóa cả những mầm nấm mốc, phân của chúng tạo môi trường thuận lợi để vi sinh vật có lợi phát triển, nhờ đó, sẽ tạo ra các kháng sinh ngăn chặn, hạn chế vi sinh vật gây hại cho cây trồng. Mật độ giun có trong đất cao tạo môi trường thuận lợi để các vi sinh vật có lợi giúp hạn chế nấm và tuyến trùng gây hại trong đất.
Kết luận
Con giun là bạn đồng hành giúp đất đai thêm màu mỡ, phì nhiêu làm tăng năng suất cho cây trồng. Vì vậy, việc hiểu được vai trò, lợi ích của giun đất là rất quan trọng. Bảo vệ giun cũng là bảo vệ đất.