Bọ rùa được biết đến là loài côn trùng đầy tiềm năng, chúng giúp tiêu diệt hết những loài côn trùng gây hại trong vườn để bảo vệ cây trồng. Đối với khu vườn trồng đang canh tác theo hướng hữu cơ tự nhiên thì rất cần thiết có loại thiên địch này để đảm bảo cây không bị gây hại. Đương nhiên cũng có loài bọ gây hại, vì vậy bạn cần biết phân biệt chúng.
Đặc điểm và hình thái của bọ rùa
Mọi người yêu những con bọ rùa nhỏ bé bởi màu sắc, sự duyên dáng và vô hại với con người. Những người nông dân lại thích chúng bởi những lợi ích mà chúng mang lại cho nông nghiệp.
Nguồn gốc loài bọ rùa
Bọ rùa là một họ trong bộ cánh cứng (Coleoptera) thuộc lớp sâu bọ (Insecta). Danh pháp hai phần của họ này là Coccinellidae được Pierre André Latreille đặt ra vào năm 1807. Hiện nay gồm khoảng 6000 loài khác nhau và chúng phân bố rộng khắp trên toàn thế giới, đặc biệt rất phong phú ở vùng nhiệt đới, trong đó có Việt Nam.
Bọ rùa nói chung chỉ những động vật ăn thịt đối với các côn trùng bộ Hemiptera, như rệp và các côn trùng có vảy khác, mặc dù những thành viên của phân họ Epilachninae chính là động vật ăn cỏ, và chúng cũng có thể gây hại trong nông nghiệp. Chúng cũng ăn một số loại cây trồng và thực vật khác khi không có thức ăn, từ đó khiến chúng trở thành dịch hại đối với nông dân và những người làm vườn.
Đặc điểm bọ rùa
Bọ rùa có hình thái đặc trưng là hình bán cầu, nhìn như một con rùa tí hon, đường kính chỉ khoảng 5 đến 6 mm, chúng sở hữu đầy đủ đặc điểm của loài cánh cứng thuộc lớp sâu bọ. Chúng thường có màu sặc sỡ, nổi bật nhất là đỏ (coccineus), cam hoặc vàng với các đốm chấm sẫm màu trên mặt lưng của cánh.
Tùy thuộc vào loài mà số lượng các chấm tròn ấy sẽ khác nhau. Có loài chỉ có 7 chấm nhưng cũng có loài đến 28 chấm trên lưng. Đây cũng chính là đặc điểm để chúng ta nhận diện, phân biệt. Loài côn trùng có lợi thường có đầu đen và có 2 dải màu trắng ở phía sau. Cơ thể có màu cam đỏ cùng các chấm đen.
Vòng đời và sinh sản của bọ rùa
Con bọ cái đẻ trứng ở mặt sau của lá cây. Trứng của chúng có hình bầu dục màu vàng, dài khoảng 1 đến 1,5 mm và bám chặt ở mặt ngoài lá cây. Một con đẻ được khoảng 10 đến 20 trứng một lần, một vòng đời có thể đẻ lên đến vài nghìn trứng.
Trứng sau 1 đến 2 tuần sẽ nở ra ấu trùng. Vừa nở, ấu trùng đã ăn vỏ trứng và các trứng khác không nở được. Sau đó, nó sẽ đi tìm các con rệp vừng để ăn. Những con ấu trùng này mình đầy lông lá, một ngày ăn 10 con rệp, càng lớn nó lại càng ăn nhiều. Qua ba lần lột xác và hoá nhộng, trong từ 1 đến 2 tháng là thành trùng. Trong thời gian này, tối thiểu nó ăn 1000 con rệp.
Phân loại loài có lợi và có hại
Người ta phân loại bọ rùa dựa theo số chấm và hình thái cơ thể. Theo đó, chúng ta được phân ra làm 2 loại, là loài có hại và có lợi cho canh tác nông nghiệp.
Bọ rùa có lợi
Là loài thuộc nhóm ăn thịt, chúng thường có màu sắc sặc sỡ như màu đỏ cam, cánh bóng vì ăn thịt nhiều, có ít chấm trên thân. Thức ăn của chúng là những loài sâu bọ ký sinh gồm rệp vừng, rệp sáp và nhện đỏ. Một con bọ rùa trưởng thành mỗi ngày có thể ăn hơn 100 con rệp cây.
Loài bọ này có quá trình biến thái hoàn toàn, nhưng ở cả giai đoạn ấu trùng (sâu non) và trưởng thành đều chỉ ăn thịt. Vì thế có thể nói, một con bọ rùa ở bất kỳ giai đoạn cũng tiêu diệt được rệp cây. Đó là lý do người ta nuôi các loài thuộc nhóm này với quy mô lớn để tiêu diệt rệp cây rất hiệu quả mà không gây ô nhiễm môi trường.
Một số loài bọ có lợi nổi bật như:
- Bọ rùa vàng: Tên tiếng anh là Charidotella sexpunctata, sống tập trung ở khu vực Bắc Mỹ. Kích cỡ chúng cũng rất nhỏ bé, chỉ dài khoảng 0,5 cm. Ngoài ra, hệ thống luân chuyển mạch trong cơ thể giúp chúng có khả năng biến đổi màu sắc dễ dàng, từ vàng sang đỏ có chấm đen.
- Bọ rùa đỏ: Chúng có màu đỏ pha cam với các chấm bi đen, đây là loài bọ phổ biến nhất trên thế giới. Bọ rùa đỏ là người bạn thân thiết của nhà nông vì giúp tiêu diệt rệp, sâu non phá hoại cây trồng.
Bọ rùa có hại
Chúng thuộc nhóm ăn thực vật, có màu sắc nhạt hơn, thường là màu cam vàng, cánh hơi nhám nếu sờ vào cánh sẽ thấy rõ, bởi ăn nhiều rau. Thường có nhiều chấm đen nhỏ trên thân hơn so với loài có lợi, khoảng 28 chấm.
Bạn có thể áp dụng các biện pháp phòng ngừa bọ có hại, để tránh những ảnh hưởng xấu mà chúng có thể gây ra với cây trồng bằng cách:
- Cắt bỏ đi phần lá, ngọn, quả đã bị bọ ăn để tập trung chất dinh dưỡng nuôi lớn cho các phần khác.
- Bắt và loại bỏ chúng bằng phương pháp thủ công.
- Nếu thấy mật độ bọ gây hại quá nhiều, bạn hãy phun một số loại thuốc trừ sâu như Pyrinex, Fenbis, Sherpa, Polytrin.
Phân bố và tập tính của loài bọ rùa
Có khoảng 6,000 loài bọ rùa khác nhau đang sinh sống và phân bố trên toàn thế giới, tuy nhiên mỗi loài lại có một khẩu vị khác nhau. Chúng có thể sống trong các môi trường như: rừng, đồng cỏ, thành phố, ngoại ô và dọc theo sông.
Loài côn trùng sặc sỡ này rất phổ biến ở Châu Âu nhưng dần được đưa sang Hoa Kỳ khoảng vào năm 1900 để kiểm soát các loài rệp hại cây. Chúng hoạt động mạnh mẽ nhất vào mùa xuân cho tới mùa thu. Các loại thức ăn yêu thích của bọ gồm: rệp, nhện và rệp sáp.
Vào mùa đông, chúng sẽ có xu hướng tìm một nơi ấm áp và an toàn để tránh rét chẳng hạn như dưới gốc cây, dưới tảng đá hoặc thậm chí trong nhà. Hàng nghìn cá thể kéo nhau đi sẽ ngủ đông.
Một số ít loài không thích ăn côn trùng hại cây mà lại trực tiếp làm hại cây, điển hình là bọ rùa đậu Mexico và bọ bí ngô.
Những lợi ích của bọ rùa có lợi mang lại cho cây trồng
Với vai trò là loài thiên địch trong mô hình canh tác theo hướng hữu cơ bền vững, con người ngày càng nhận ra tầm quan trọng và biết tận dụng khả năng của loài côn trùng này.
Tiêu diệt côn trùng gây hại
Bọ rùa là loại thiên địch, các loại thức ăn yêu thích của nó gồm có rệp vừng, nhện đỏ và rệp sáp. Ở trong cả giai đoạn ấu trùng hay trưởng thành chúng đều có thể ăn thịt những con côn trùng gây hại này, một con bọ có thể nuốt chửng hàng ngàn con rệp trong đời. Do đó, những khu vườn bị nhện, rệp tấn công sẽ không còn là nỗi lo nếu có sự xuất hiện của loài thiên địch này.
Loại bỏ thuốc trừ sâu hóa học
Thuốc trừ sâu hóa học không chỉ khiến cho môi trường bị ô nhiễm, thực phẩm tồn dư chất độc hại, mà còn có thể giết chết cả những loài côn trùng hữu ích. Điều này chắc chắc chắn không đem lại lợi ích lâu dài cho khu vườn.
Tận dụng loài côn trùng có lợi để diệt trừ và kiểm soát những loài sâu hại chính là cách tuyệt vời để nói không với thuốc trừ sâu. Trong đó, bọ cánh cam đóng vai trò lớn, có chúng nên con người mới hạn chế thuốc bảo vệ thực vật.
Tiết kiệm chi phí
Những loài côn trùng có lợi sẽ ở lại giúp ích cho khu vườn nếu chúng ta tạo ra môi trường để chúng được phát triển mạnh. Thậm chí không cần phải tốn tiền nếu những con côn trùng hữu ích đó có nguồn gốc từ địa phương.
Sự phát triển của bọ rất có ích giúp tiêu diệt côn trùng gây hại, có nguồn gốc hoàn toàn tự nhiên. Vì vậy, việc áp dụng các họ bọ cánh cam có ích không tốn chi phí mà còn góp phần trong việc tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Đối phó tình trạng kháng thuốc trừ sâu
Việc lạm dụng những loại thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ đã khiến cho một số loại sâu bệnh hình thành sức đề kháng đối với thuốc trừ sâu. Để đối phó với tình trạng này, biện pháp hiệu quả là sử dụng quy luật của tự nhiên, lấy loài này tiêu diệt loài khác.
Bọ rùa trở thành loài thiên địch quan trọng, biến các loài rệp sáp, nhện, … thành thức ăn của chúng, tạo ra một chuỗi thức ăn và làm đa dạng thêm cho hệ sinh thái. Từ đó đối phó với tình trạng kháng thuốc trừ sâu một cách hiệu quả.
Biện pháp thu hút bọ rùa
Bọ rùa cũng ăn phấn hoa của một vài loại cây, vì thế nếu bạn muốn thu hút chúng hãy tiến hành trồng một số loại cây như: hoa tỏi, chi mỏ hạt, thì là, cúc tâm tư, thanh cúc, hoa tuyết cầu, ngò ta, ngò tây,….
Ngoài ra còn có những loại cây trồng khác có thể thu hút bọ như: thì là, cây cứu ngài lưỡi chó (cúc ngài), dương kỳ thảo, bồ công anh, cỏ giáp trạng, hoa nhái, bạc hà….
Nền nông nghiệp theo hướng hữu cơ bền vững đang ngày càng được chú trọng, trong đó việc sử dụng thiên địch trong việc phòng trừ sâu bệnh hại lại có vai trò đặc biệt quan trọng. Với những lợi ích mà loại côn trùng này mang lại, chúng ta nên biết tận dụng và làm cho nơi canh tác của mình thêm đa dạng, ngăn ngừa một số loài gây hại.
Những sự thật thú vị về bọ rùa
Có thể bạn chưa biết, đặc điểm ngoại hình sặc sỡ của loài bọ này chính là vũ khí bí mật của chúng. Chúng xuất hiện dưới dạng những quả cầu nhỏ, tròn, hình bầu dục, có chân ngắn và râu.
Màu sắc và chấm tròn trên lưng của chúng trông có thú vị cho con người nhưng nó lại là nỗi khiếp sợ của kẻ thù. Chúng có thể tiết ra một loại chất lỏng có mùi hôi từ khớp chân để de dọa kẻ thù.
Màu sắc của chúng cũng là món vũ khí để cảnh báo đến động vật săn mồi khác, báo rằng chúng không dễ khuất phục. Một số loài còn giả chết và tiết ra mùi hôi để xua đuổi kẻ thù.
Lời kết
Tất cả những thông tin nổi bật nhất về loài bọ rùa đã được chúng tôi cung cấp đầy đủ trong bài viết này. Việc bảo vệ loài côn trùng có lợi này giúp bảo vệ khu vườn khỏi những con côn trùng gây hại, giúp tiết kiệm công sức và chi phí cho người làm vườn.