Rệp hại cây trồng là tình trạng phổ biến đối với nhà vườn. Không chỉ gây phiền toái với bà con nhà nông mà rệp có thể gây hại trên chính khu vườn nhỏ tại gia. Cây trồng bị rệp tàn phá sẽ mất dần chất dinh dưỡng, rụng lá, rụng cành, khô héo và chết. Ngoài ra, nước bọt của rệp còn tiết ra một loại mật ngọt, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại nấm phát triển. Chính vì vậy, cách trị rệp hại cây trồng là vấn đề được rất nhiều bà con quan tâm. Làm thế nào để nhận biết sự xuất hiện của rệp trên cây trồng và giải pháp phòng ngừa là gì? Bà con hãy lưu lại ngay 4 cách trị rệp hại cây trồng hiệu quả nhất được bật mí ngay sau đây nhé!
Dấu hiệu nhận biết rệp hại cây trồng
Để có thể diệt rệp một cách triệt để thì trước tiên bà con cần phải nhận biết được sự xuất hiện của rệp trên cây trồng. Dưới đây là một số dấu hiệu phổ biến nhất cho thấy rệp đang ẩn trú và hại cây.
Quan sát phần mặt dưới của lá cây
Cách kiểm tra sự xuất hiện của rệp đơn giản nhất là lật mặt sau của lá cây lên và quan sát. Rệp cây là một loại côn trùng có kích thước nhỏ nhưng có thể quan sát bằng mắt thường. Có rất nhiều loại rệp với các màu sắc khác nhau như: trắng, đen, vàng, xám,… Khi nhìn gần, một số loại rệp được bao phủ một lớp xốp giống như sợi bông. Hãy chú ý đến những lá cây bị héo không rõ nguyên nhân hoặc những chiếc lá đang khỏe mạnh bỗng trở nên ủ rũ. Đó có thể là dấu hiệu cho biết cây trồng đang bị rệp phá hoại.
Ngoài ra, bà con có thể phát hiện ra rệp thông qua những vết cắn nhỏ li ti dọc mép lá hoặc trên gân lá. Rệp thường phát triển mạnh mẽ vào mùa hè oi bức, những nơi có độ ẩm cao.
Rệp tiết ra “dịch ngọt” trên lá cây
Sau khi hút nhựa từ những cây khỏe mạnh, loài rệp thường tiết ra một chất dính mà nhà nông hay gọi đó là “dịch ngọt”. Nếu thấy lá cây có độ sáng bóng bất thường hoặc trông như đang được bao phủ bởi một lớp dịch nhầy thì có thể là rệp đang “cư trú” ở gần đấy. Chất dịch ngọt này có thể chuyển thành màu nâu cánh gián hoặc màu đen khi nấm mốc xuất hiện.
Xuất hiện các nốt sần trên cây
Khoảng 2 tuần/lần, bà con nên kiểm tra xem các cây trong vườn có xuất hiện những nốt sần sùi ở ngọn, thân hoặc rễ hay không. Bởi đó cũng là dấu hiệu cho thấy cây trồng bị nhiễm bệnh. Hầu hết những nốt sần hình thành là do cây bị côn trùng phá như rệp hút nhựa cây và đẻ trứng. Các nốt sần có thể biến đổi màu và trở thành đốm mốc. Nếu không nhanh chóng xử lý vấn đề này thì cây trồng sẽ mắc bệnh nghiêm trọng hơn.
4 Cách trị rệp hại cây trồng đơn giản, hiệu quả cao
Tình trạng rệp tàn phá cây trồng gây ra nhiều phiền toái cho những người làm vườn. Tuy nhiên, bà con cũng đừng quá lo lắng vì cách trị rệp hại cây trồng cũng không quá phức tạp. Dưới đây là 4 giải pháp phòng ngừa rệp cây hiệu quả mà bà con có thể áp dụng cho khu vườn.
Bắt rệp trực tiếp bằng tay nếu số lượng ít
Rệp là một loài bọ hay bám trên lá rau, những cành cây non hoặc thân cây. Do đó, chỉ cần chịu khó quan sát là có thể phát hiện ra rệp cây đang ẩn nấp. Cách trị rệp hại cây trồng đơn giản nhất đó là lật tìm trên những chiếc lá cây và dùng tay bắt rệp. Tuy nhiên, bà con hãy chú ý đeo găng tay khi bắt rệp để tránh tình trạng kích ứng nhé!
Rệp cây có thân mềm nên bà con có thể xử lý chúng bằng cách bóp giữa hai ngón tay. Sau đó, hãy dùng một mảnh vải mềm hoặc khăn giấy để lau sạch những chiếc lá vừa bắt rệp xong. Điều này nhằm đảm bảo rằng không còn trứng rệp hay con rệp nào còn sót lại trên lá cây.
Cắt tỉa những lá cây bị rệp làm hư hại
Một khi phát hiện ra rệp đang ẩn nấp trên cây thì hãy nhanh chóng tìm cách xử lý vì chúng có thể lây lan sang những cây trồng xung quanh. Nếu cây ký chủ quá đông, rệp sẽ bắt đầu di cư và cư trú sang những cành cây khác. Chính vì vậy, với những vị trí trên cây bị rệp tàn phá quá nặng thì bà con nên cắt bỏ luôn phần lá cây hoặc thân cây đó để loại bỏ môi trường cư trú của rệp.
Sau khi tiến hành cắt tỉa cây bị nhiễm rệp, xịt lại cây bằng nước sạch hoặc dung dịch chống rệp tự pha chế với các nguyên liệu tự nhiên.
Sử dụng vòi tưới nước xịt lên lá cây bị nhiễm rệp
Một trong những cách trị rệp hại cây trồng vô cùng đơn giản nhưng khá hữu hiệu mà EcoClean muốn chia sẻ đến bà con đó là dùng vòi tưới nước xịt lên lá cây có rệp trú ẩn. Hãy hướng vòi nước về phía mặt dưới của lá cây, nơi rệp thường xuyên “làm ổ” và xịt nước lên lá cây đều đặn mỗi ngày 1 – 2 lần cho đến khi số lượng rệp giảm dần.
Đây là cách thức diệt rệp đơn giản nhằm đối phó với tình trạng rệp tàn phá ở mức độ từ thấp đến trung bình. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ thích hợp với những cây trồng đã cứng cáp và khỏe mạnh. Ngoài ra, bà con cũng cần lưu ý, không nên dùng vòi tưới có áp lực quá cao để tránh tình trạng hư hại cây. Đồng thời cũng không nên tưới nước quá nhiều khiến cây bị ngập úng.
Sử dụng các loại thuốc diệt rệp
Nếu những cách thức trên vẫn không thể trị rệp một cách triệt để thì bà con hãy áp dụng giải pháp cuối cùng đó là dùng các loại thuốc diệt rệp. Bà con có thể mua các loại thuốc trừ sâu để diệt rệp. Tuy nhiên, hầu hết các loại thuốc này đều chứa độc tố nhóm 2, tiêu biểu như: Trebon, Bassa, Ditarex, Applaud 10WP,… Vì vậy cũng nên hạn chế phun các loại thuốc này lên cây trồng.
Đối với các loại cây ăn quả, trước khi phun thuốc diệt rệp thì có thể phun xà phòng để rửa trôi bớt lớp phấn sáp của rệp trên lá, khi đó thuốc sẽ phát huy tác dụng hơn. Ngoài ra, nếu rệp sáp ở dưới gốc cây thì hãy xới đất nhẹ xung quanh gốc, sau đó rải 25g thuốc Wellof 3GR/gốc rồi lấp đất lại, phun đẫm nước.
Lưu ý: Khi phun thuốc diệt rệp phải vạch từng tán cây và phun trực tiếp vào khu vực trú ẩn của rệp thì rệp mới bị tiêu diệt.
Trên đây là 4 cách trị rệp hại cây trồng an toàn và hữu hiệu nhất mà EcoClean đã tổng hợp và chia sẻ đến bà con. Hy vọng những giải pháp này sẽ giúp bà con trị rệp một cách nhanh chóng và triệt để. Chúc bà con có những vụ mùa năng suất và bội thu nhé!